Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Diện tích cao su sẽ đạt trên 700.000 ha

Năm 2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng diện tích cao su lên trên 40.000 ha, đưa tổng diện tích cao su cả nước lên 715.000 ha.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009, tổng diện tích cây cao su đạt 674.200 ha, tăng 42.700 ha (13,5%) so với năm 2008.

gia-cao-su-ngay-31-12-2013

Trong đó, diện tích cho khai thác là 421.600 ha (chiếm 62,5% tổng diện tích), với sản lượng đạt 723.700 tấn, tăng 9,7 % so năm 2008.



Diện tích trồng cao su tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ (64%), kế đến là Tây Nguyên (24,5%) và duyên hải miền Trung (10 %). Diện tích cây cao su ở vùng Tây Bắc mới đạt khoảng 10.200 ha (chiếm 1,5%).
Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Trí Ngọc cho biết, trước nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới ngày càng gia tăng, cũng như lợi ích nhiều mặt của cao su, về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ nhằm thúc đẩy hơn nữa phát triển cây cao su.

“Cao su là loại cây trồng không những có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa”, ông Ngọc nói.
Theo phân tích, trồng một ha cao su trong điều kiện thâm canh bình thường với mức đầu tư cơ bản khoảng 70 triệu đồng, chi phí hàng năm khoảng 8-10 triệu đồng cho cả chu kỳ 27 năm ( trong đó, thời gian cho khai thác mủ là 20 năm), với năng suất bình quân đạt 1,7 tấn/ha, giá bán 2.000 USD/tấn (khoảng 37 triệu đồng) thì lãi bình quân vào khoảng 25 triệu đồng ha.

“Trồng cao su tốn ít chi phí nhưng cho lãi suất rất cao. Hiện cao su là cây trồng đứng thứ 2 về tỷ suất lợi nhuận, chỉ sau cây cà phê. Nhu cầu tiêu thụ cao su của thế giới tăng trong khi nguồn cung ở nhiều nước đang có chiều hướng giảm. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của cao su Việt Nam, do tiềm năng của cao su còn rất lớn”, ông Ngọc nói.

Đồng tình với ý kiến này, Bà Trần Thuý Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho hay, từ năm 2010, nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ tăng trưởng liên tục đến 2020.
Riêng trong năm 2010, dự báo mức tiêu thụ cao su thiên nhiên khoảng 10,43 triệu tấn, tăng 8% so năm 2009, các năm sau đó tăng khoảng 3,5% hàng năm.

Trong khi đó, 3 nước đứng đầu về sản xuất và cung ứng cao su là Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang thu hẹp diện tích và sản lượng cao su bằng chính sách thay thế các cây trồng khác như cọ, dầu tràm…
Hơn nữa, cao su thiên nhiên sẽ chiếm ưu thế so với cao su tổng hợp do xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng tăng. Do đó, cây cao su đang được đặt nhiều kỳ vọng.

Theo bà Hoa, năm 2009, mặc dù ngành cao su không đạt kim ngạch xuất khẩu cao như năm 2008 nhưng vẫn có những bước phát triển tiếp tục về diện tích (tăng 13,5%), sản lượng (tăng 9,7%), năng suất (tăng 3,8%), lượng xuất khẩu (tăng 10,8%) và lượng cao su tiêu thụ trong nước (tăng 20%). Điều này cho thấy, khả năng chống đỡ của cao su trong bối cảnh suy thoái kinh tế là rất lớn.

“Hiện nay diện tích cao su của Việt Nam được xếp thứ 6 (chiếm khoảng 6,4% tổng diện tích cao su thế giới), sản lượng xếp thứ 5 (khoảng 7,7% tổng sản lượng cao su thế giới) và xuất khẩu đứng thứ 4 (khoảng 9%)”, bà Hoa nói và cho rằng, những thành tựu của ngành cao su sẽ tạo bàn đạp cho sức bứt phá trong năm 2010 và những năm tiếp theo để sớm đạt mục tiêu 800.000 ha với sản lượng 1,2 triệu tấn cao su, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2010 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến, năm 2010 ngành sẽ phát triển thêm 40.000 ha, đưa diện tích cao su cả nước lên 715.000 ha, tăng sản lượng đạt khoảng 770.000 tấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét